Thăm làng nghề làm gốm Vân Sơn tại An Nhơn

Thăm làng nghề làm gốm Vân Sơn tại An Nhơn – Bình Định

Từ Phú Yên đến Làng nghề làm gốm Vân Sơn thuộc phường Nhơn Hậu, Thị Xã An Nhơn, Tỉnh Bình Định khoảng 125km, bạn có thể di chuyển bằng xe máy hoặc xe du lịch đều được. Được hình thành lâu đời, nhưng hiện nay chỉ còn gần 20 cơ sở sản xuất với số lao động khoảng 150 người. Các lò gốm thường làm theo đơn đặt hàng từ các thương lái gần xa

 

Làng gốm Vân Sơn Bếp lò chuẩn bị đưa vào bầu nung tại làng gốm Vân Sơn

 

Hướng dẫn đường đi

Nếu bạn đến Du lịch tại Quy Nhơn thì bạn có thể tham khảo thêm về làng nghề gốm Vân Sơn, từ Quy Nhơn di chuyển theo Quốc Lộ 19C hướng đến cầu Bà Gi, gặp quốc lộ 1A rẽ phải đi khoảng 9km thì rẽ trái theo đường Hồng Lĩnh, đi thêm 2km gặp đường sắt, bạn đi bộ 100m là đến nhé. Từ xe máy đến xe du lịch đều di chuyển thuận tiện bởi đường giao thông đã được mở rộng rất thoáng nhé. Tuy nhiên để tiện việc di chuyển đúng đường bạn nên vào Gmap gõ từ khoá “Làng Gốm Vân Sơn” để đi cho đúng nhé

 

Làng gốm Vân Sơn Xếp lu vào lò nung tại làng gốm Vân Sơn

 

Lịch sử làng gốm Vân Sơn

Có lịch sử phát triển hàng trăm năm với các sản phẩm thủ công chủ yếu như lò, chum, chậu, ấm… Trãi qua nhiều thăng trầm, làng nghề vẫn còn tồn tại đến hôm nay một phần do những sản phẩm thủ công ở đây tạo được sự thẩm mỹ, bền và giá cạnh tranh nên thị trường trong tỉnh Bình Định và các tỉnh lân cận vẫn tin dùng. Nguồn đất sét xung quanh đã sử dụng gần hết nên phải nhập từ huyện Tây Sơn cách Vân Sơn khoảng 20km.

 

Làng gốm Vân Sơn Lu đựng nước tại làng gốm Vân Sơn

 

Cách làm đất

Nghề này đòi hỏi người thợ cần có sự khéo léo, cẩn thận và sức khoẻ tốt. Việc đầu tiên chọn nơi để lấy đất sét, đất thường lấy ở ruộng và cách mặt đất 1m mới đủ độ dẻo và chất cao lanh chịu nhiệt tốt. Sau khi lấy đất từ hố lên cần dùng chân đạp cho dẻo ngay tại chỗ, sau khi đất đã dẻo và sánh lại thợ đất dùng xẻng xắn ra từng tảng lớn phơi khô và chuyển về lò. Tiếp đó họ tán nhỏ và phủ bằng bạc che mưa lên tuyệt đối không để nước thấm vào đất.

 

Làng gốm Vân Sơn Chậu nhỏ tại làng gốm Vân Sơn

 

Cách tạo hình sản phẩm

Đất cho vừa đủ để tạo hình sản phẩm trên bàn xoay gỗ, tạo thành hình xong, người thợ dùng con dao nhỏ để kẻ, vẽ hoặc khoét để tạo hoa văn đường viền trang trí. Tiếp theo là để hong khô vài ngày, khâu cuối cùng là đưa vào lò nung hay còn gọi là bầu nung ở nhiệt độ 700oC. Trong không gian đấy, người thợ giỏi thường có kinh nghiệm sắp xếp thật nhiều các sản phẩm một cách khéo léo mà không ảnh hưởng đến quá trình nung bị thiếu lửa của sản phẩm.

 

Làng gốm Vân Sơn Bếp lò tại làng gốm Vân Sơn

 

Các chương trình dã ngoại tham quan làng gốm

Tại Bình Định có nhiều trường học phối hợp với các Công ty Du Lịch Uy Tín tại Quy Nhơn để tổ chức chương trình về nguồn và thăm làng nghề truyền thống tại Thị Xã An Nhơn như bún Ngãi Chánh, rượu Bàu Đá, bún Song Thằn, làng rèn Tây Phương Danh, làng mai An Nhơn và làng gốm Vân Sơn. Thông qua việc thăm làng nghề, giúp các cháu có trải nghiệm khi cùng chung tay với các nghệ nhân để tạo ra cho mình sản phẩm thú vị, nhằm tạo lòng yêu mến với các làng nghề truyền thống và có những ký ức đẹp về quê hương của mình. Các cung đường tại An Nhơn phù hợp với các loại xe du lịch di chuyển thuận lợi nhé.